08/09: Diễn đàn 'Liên kết phát triển logistics – động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ'
Diễn đàn do VCCI và UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Bà Rịa – Vũng Tàu phối hợp tổ chức.
Theo đó, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế động lực quan trọng của cả nước, đóng góp khoảng 40% GDP và khoảng 50% trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và ngân sách cả nước. Là khu vực tập trung hạ tầng logistics quan trọng, vùng Đông Nam Bộ hiện có gần 18.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, chiếm 46% trong số 39.000 doanh nghiệp logistics cả nước và đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa cũng như hơn 60% khối lượng hàng container cả nước.
Diễn đàn "Liên kết phát triển logistics – động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ" dự kiến tổ chức ngày 8/9 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu, đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 8,5%. Tầm nhìn 2045, Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Đáng lưu ý, Nghị quyết 24-NQ/TW đưa quan điểm, Đông Nam Bộ cần tập trung xây dựng các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics gắn với các hành lang giao thông.
Đặc biệt, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Chủ tịch vừa được thành lập nhằm hoàn thiện thể chế, cơ chế điều phối phát triển vùng Đông Nam Bộ theo Nghị quyết 24-NQ/TW. Đổi mới cơ chế điều phối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững khu vực Đông Nam Bộ.
Theo đó, nhằm mục phát triển vùng đến năm 2030 xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, trở thành trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đến năm 2050, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm đầu của khu vực và thế giới; kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ.
Hai trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng được nêu rõ “Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao gồm trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”. Đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, cần phải nghiên cứu đầu tư hệ thống đường sắt tốc độ cao để tăng cường giao thương, giảm chi phí logistics.
Đồng thời, thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển Hiệp hội doanh nghiệp và các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội liên minh, liên minh hợp tác xã của toàn vùng.
Trong khi đó, là một trong những địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trên trục đường xuyên Á, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu được xếp loại đặc biệt của quốc gia có thể tiếp nhận tàu container trọng tải 80.000 ÷ 250.000 tấn (6.000÷24.000 TEU) và lớn hơn, đồng thời giữ vai trò cửa ngõ hướng ra biển của vùng. Với hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và đang tiếp tục được đầu tư để hình thành được hệ thống giao thông đa phương thức, kết nối liên hoàn, đồng bộ, giữa hệ thống cảng Thị Vải, Cái Mép - Trung tâm logistics Cái Mép Hạ - Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM - các trung tâm dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đô thị trong vùng Đông Nam Bộ…, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển bứt phá. Hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu cùng các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ có đóng góp lớn cho GDP, tổng thu ngân sách nhà nước, sản xuất hàng hóa, vận tải đường biển… của cả nước. Các yếu tố này chính là nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng và bền vững có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Có thể thấy, so với các địa phương nằm trong Vùng Đông Nam Bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều yếu tố thuận lợi hơn để phát triển ngành dịch vụ logistics. Theo Quyết định số 804/QĐ-TTg ngày 8/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Bà Rịa - Vũng Tàu quy hoạch 69 dự án cảng biển, trong đó có 50 dự án cảng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 150 triệu tấn/năm. Hiện tại, tỉnh có 8 dự án cảng container lớn với công suất 8,3 triệu TEU/năm, trong đó cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng lớn của thế giới đón được “siêu” tàu lớn nhất hiện nay. Nhờ hệ thống cảng biển nước sâu mà kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua các cảng ở Bà Rịa - Vũng Tàu liên tục tăng.
Đặc biệt, Nghị quyết 24-NQ/TW cũng xác định đầu tư phát triển hệ thống logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là hoàn toàn phù hợp với tiềm năng và lợi thế mà tỉnh đang có. Nghị quyết quyết định “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò làm “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả Vùng và cả nước. Để thực hiện được mục tiêu này, liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và Vùng Đông Nam Bộ hiện có nhiều "điểm nghẽn" mà nổi bật là cơ sở hạ tầng, là thách thức cho hoạt động logistics, giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp. Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng đã chỉ ra các “điểm nghẽn” phát triển vùng trong đó có “mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ; nguồn nhân lực logistics chất lượng cao chưa đáp ứng được nhu cầu; chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất-xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics hiệu quả thấp; chưa hình thành được các trung tâm logistics quy mô lớn, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức của vùng”.
Nhằm đồng hành cùng các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp hiện thực mục tiêu của Nghị quyết số 24-NQ/TW được cụ thể hoá tại các nhiệm vụ của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ; trao đổi thông tin về định hướng phát triển logistics của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; Nhận diện điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động logistics; Nhận diện khó khăn trong phát triển của doanh nghiệp logistics của Vùng; Đề xuất giải pháp để thúc đẩy ngành logistics theo hướng liên kết vùng, tận dụng lợi thế, cơ hội phát triển xứng tầm với tiềm năng…và đặc biệt đưa ra giải pháp đột phá cho sự phát triển logistics, tạo động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức Diễn đàn:
LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN LOGISTICS – ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VÙNG ĐÔNG NAM BỘ
- Thời gian (dự kiến) : 13h30 - 17h30, Thứ Sáu, Ngày 08/09/2023
- Địa điểm : Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Diễn đàn có sự tham gia của Lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Lãnh đạo VCCI cùng Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các sở ngành liên quan của vùng Đông Nam Bộ; Đại diện các Cục, Vụ như Cục hàng hải, Cục đường thuỷ, Vụ vận tải, (Bộ Giao thông Vận tải); Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương); Cục Phát triển doanh nghiệp, Vụ Kinh tế địa phương và lãnh thổ (Bộ KH&ĐT); Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính); Đại diện các Viện, trường cơ quan nghiên cứu: Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Viện Viện nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), Viện Chiến lược phát triển Giao thông vận tải; Lãnh đạo Liên đoàn Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA), Hiệp hội Giao nhận vận tải ASEAN (AFFA) cùng nhiều Hiệp hội Doanh nghiệp các nước; Các Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh vùng Đông Nam Bộ và hơn 15 Hiệp hội ngành hàng trong nước; Các ngân hàng và tổ chức tín dụng; Các Tập đoàn/Tổng Công ty/Doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi, vận tải, các hãng tàu, doanh nghiệp logistics trong nước và quốc tế… cùng 40 cơ quan báo chí, truyền hình.
Nội dung Diễn đàn gồm hai phiên chính:
-Phiên tham luận gồm các báo cáo đề dẫn và phát biểu chuyên sâu cho các vấn đề: Điểm nghẽn của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động logistics Bà Rịa - Vũng Tàu và Vùng Đông Nam Bộ, đề xuất giải pháp; Giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi logistics vùng Đông Nam Bộ nâng cao sức cạnh tranh; Mô hình quốc tế về phát triển liên hợp cảng kết hợp khu thương mại tự do – mô hình lý tưởng cho Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ.
-Phiên thảo luận gồm 2 vấn đề quan trọng, tạo đột phá phát triển logistics nói riêng và kinh tế vùng Đông Nam Bộ nói chung:
- Panel 1: Hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức Vùng Đông Nam Bộ
- Panel 2: Khu Thương mại tự do – đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế
Song song với chương trình nội dung, Diễn đàn có khu vực triển lãm gian hàng của các nhà cung cấp dịch vụ logistics, các nhà cung cấp thiết bị, giải pháp trong nước và nước ngoài tạo cơ hội cho các doanh nghiệp giới thiệu dịch vụ, sản phẩm, tiếp cận các công nghệ, giải pháp mới, tăng cường giao lưu, kết nối và hợp tác đầu tư.
Đặc biệt, trước sự chứng kiến của 500 khách mời là đại biểu các Bộ, ban ngành Trung ương, các Lãnh đạo địa phương, các Hiệp hội, doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu, cơ quan truyền thông, Diễn đàn cũng là dịp ra mắt Ban vận động Hiệp Hội thành lập Hiệp hội Logistics Bà Rịa – Vũng Tàu nhằm hỗ trợ, kết nối địa phương và doanh nghiệp Logistics tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư.
Chương trình sẽ được truyền hình trực tuyến trên http://diendandoanhnghiep.vn; Fanpage tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Kênh You Tube - Diễn đàn Doanh nghiệp TV; Cổng ZOOM – DDDN; Trang website https://www.vla.com.vn ; https://phaata.com ; LOGISTICS VIETNAM; Cộng đồng logistics Việt Nam; Xuất nhập khẩu & Logistics…
Diễn đàn sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ tìm hiểu, liên kết để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất, các dịch vụ hỗ trợ nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng dịch vụ nâng cao khả năng cạnh tranh, giảm chi phí logistics,…
Diễn đàn cũng tranh thủ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức liên quan và ý kiến phản hồi, kiến nghị của các doanh nghiệp kịp thời bổ khuyết vào nhiệm vụ giải pháp phát triển logistics – tạo động lực phát triển kinh tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các tỉnh Vùng Đông Nam Bộ, giúp doanh nghiệp hiến kế xây dựng cũng như tiếp cận, nắm bắt cơ hội đầu tư phát triển “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, Trung tâm logistics Cái Mép Hạ và các hạ tầng sau cảng…
Ban tổ chức trân trọng kính mời Đại diện Lãnh đạo Quý Đơn vị, Doanh nghiệp tham dự, chia sẻ góp ý và tìm kiếm cơ hội kết nối, đầu tư tại Diễn đàn.
Link đăng ký tham dự sự kiện: https://docs.google.com/forms/d/1fppmstKxIWAohOo_8gva_IixyDGgDsgoTBEOtJeSgfA/edit
- Thông tin liên hệ:
- Nhà báo Thy Hằng, ĐT 0904788233, Email: hahang@dddn.com.vn ;
- Nhà báo Thu Duyên, ĐT 0963046382, Email: duyen.dddn@gmail.com ;
- Nhà báo Hồng Minh, ĐT 0914 599 968, Emai: minhngoc.vcci@gmail.com.
Nguồn: THY HẰNG | Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp