Chi phí thương mại toàn cầu có thể tăng thêm 800 tỷ USD từ thuế carbon
Sau phân khúc hàng hóa, ngành vận tải biển sẽ là lĩnh vực tiếp theo chịu tác động từ thuế carbon khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) có kế hoạch đặt mục tiêu phát thải carbon bằng không vào năm 2050.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) đã đề xuất rằng đến năm 2030, 5% nhiên liệu được các con tàu sử dụng sẽ là nhiên liệu sạch.
Sau phân khúc hàng hóa, ngành vận tải biển sẽ là lĩnh vực tiếp theo chịu tác động từ thuế carbon khi Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc, có kế hoạch đặt mục tiêu phát thải carbon bằng không (net zero carbon emission) vào năm 2050, theo một báo cáo từ Financial Express (FE). Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định thu thuế carbon đối với hàng hóa xuất nhập khẩu từ năm 2027.
Ông Ajay Srivastava, người sáng lập Sáng kiến Nghiên cứu Thương mại Toàn cầu (GTRI), cho biết trong một bản ghi chú chính sách rằng chi phí của các sản phẩm xuất nhập khẩu sẽ tăng từ 3 đến 4%, tương đương với 600 đến 800 tỷ USD mỗi năm.
"80% thương mại hàng hóa toàn cầu, trị giá hơn 20 nghìn tỷ USD, được vận chuyển trên khắp các đại dương trên thế giới bởi 6.400 tàu hàng. Ngành vận tải biển chịu trách nhiệm cho 3% lượng khí thải nhà kính toàn cầu", bản ghi chú cho biết.
Vào ngày 7/7 vừa qua, IMO đã công bố chiến lược không phát thải vào năm 2050. Tổ chức này kêu gọi giảm lượng khí thải trong ngành vận tải biển xuống 20-30% vào năm 2030 và 70-80% vào năm 2040 so với mức của năm 2008. IMO đã đề xuất rằng 5% lượng nhiên liệu được các tàu sử dụng vào năm 2030 là nhiên liệu sạch và tổ chức này sẽ đưa ra các biện pháp chi tiết để thực hiện các mục tiêu nêu trên vào năm tới.
Các quốc gia thành viên dự kiến có thể đáp ứng các mục tiêu mới đưa ra, mặc dù các khuyến nghị của IMO không ràng buộc về mặt pháp lý. Một số quốc gia tại cuộc họp của IMO đã đề xuất áp thuế với lượng khí thải vượt quá mục tiêu đặt ra, nhưng dự định này đã được hoãn lại do sự phản đối từ Trung Quốc và các nước phát triển khác.
Ông Srivastava cho rằng do các quy định mới từ IMO, các thương nhân Ấn Độ sẽ phải trả số tiền lớn hơn cho các công ty vận tải biển nước ngoài vì 90% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đang được vận chuyển bởi các hãng tàu ngoại. Ông bổ sung rằng nếu muốn tuân thủ các tiêu chuẩn đang được triển khai trong ngành, các doanh nghiệp vận tải biển Ấn Độ sẽ phải dành ra 100 tỷ USD để đầu tư thêm.
Để giảm phát thải carbon, tàu biển phải chuyển sang sử dụng nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp như khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), amoniac công nghiệp và metanol. Các doanh nghiệp trong ngành cũng phải đầu tư vào việc tối ưu hóa thiết kế thân tàu và triển khai các động cơ hiệu quả hơn để tăng hiệu suất khai thác của tàu.
Xem thêm:
- Evergreen đặt hàng 24 tàu container chạy bằng nhiên liệu metanol với tổng trị giá 5 tỷ USD
- Ngành vận tải biển đối mặt thách thức từ biến đổi khí hậu
Nguồn: Phaata.com (Theo Business Standard)
Phaata - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam
► Tìm Cước vận chuyển & Dịch vụ logistics tốt hơn!