Liệu chính phủ Hàn Quốc có bán hãng tàu HMM?
Theo các tổ chức dân sự Busan và nhiều thành viên trong ngành hàng hải Hàn Quốc, họ đề xuất quốc hữu hóa hãng tàu HMM, bắt đầu chiến dịch để thuyết phục chính phủ dừng việc tìm kiếm người mua cho công ty vận tải biển lớn nhất của đất nước này.
Tàu container của hãng tàu HMM (Ảnh: HMM)
Theo các tổ chức dân sự Busan và nhiều thành viên trong ngành hàng hải Hàn Quốc, hãng tàu HMM (Hyundai Merchant Marine) nên được quốc hữu hóa. Nhóm này đã bắt đầu vận động chính phủ ngừng công cuộc tìm kiếm doanh nghiệp để bán lại hãng tàu lớn nhất Hàn Quốc hiện nay.
Nhóm các nhà vận động chính sách (lobbyist) tại Hàn Quốc, bao gồm Phong trào Quốc gia Vì Một Quyền lực Hàng hải Mới, Hiệp hội Phát triển Cảng Busan, mới đây đã nêu quan điểm rằng ba tập đoàn đang cạnh tranh mua HMM có thể không hỗ trợ được tập đoàn vận tải biển trong bối cảnh thị trường hiện nay và đang kêu gọi chính phủ không vội xúc tiến thương vụ này.
Nhà nước nắm quyền kiểm soát HMM thông qua giao dịch chuyển nợ thành cổ phần vào năm 2016, cổ phiếu của HMM hiện do Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) và Tập đoàn Korea Ocean Business Corp (KOBC) nắm giữ. Hai ông lớn này có kế hoạch bán 40,65% cổ phần tại HMM, con số có thể tăng lên đến 57,87% nếu 1 nghìn tỷ won (742 triệu USD) trái phiếu được chuyển đổi thành cổ phiếu.
Ba cái tên là Harim-JKL, Dongwon Group và LX International, đã lọt vào danh sách rút gọn để có thể trở thành là cổ đông lớn nhất của HMM, và cái tên sáng giá nhất dự kiến sẽ được công bố vào tháng tới. Cả ba tập đoàn này đều là các doanh nghiệp Hàn Quốc. Trước đó, hãng tàu lớn thứ 5 thế giới Hapag-Lloyd là cái tên ‘ngoại’ duy nhất bày tỏ nguyện vọng mua lại HMM nhưng đã không đi xa được trong thương vụ này.
Nhưng kể cả là bán HMM cho doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là điều khiến nhiều đối tượng quan ngại. Vào cuối tháng 10 vừa qua, các nhà vận động chính sách đã phát biểu: “Vận tải container đường biển là ngành kinh doanh phục vụ cho lợi ích quốc gia và ngành này không hề dễ dàng gì để các doanh nghiệp tư nhân điều hành. Sẽ là hợp lý hơn nhiều nếu phát triển HMM thành một doanh nghiệp nhà nước, hoặc một công ty cổ phần trong đó mọi công dân đều là nhà đầu tư và không có một cổ đông lớn nào cả. Xét đến quy mô của các tập đoàn đang quan tâm đến HMM hiện nay, chúng tôi không chắc chắn về việc liệu hãng tàu có thể đối phó với suy thoái kinh tế trong giai đoạn sắp tới hay không. Bán HMM một cách vội vàng là điều không nên chút nào.
“HMM phải tiếp tục phát triển với năng lực cạnh tranh quốc tế và dẫn đầu sự phát triển của ngành vận tải biển quốc gia. Cần có sự hỗ trợ vững chắc của quốc gia để xây dựng HMM trở thành hãng tàu đẳng cấp hàng đầu thế giới.”
Thúc giục chính phủ rút kinh nghiệm từ sự sụp đổ của hãng tàu Hanjin hồi năm 2017, các nhà vận động chính sách cũng cho rằng việc bán HMM chỉ phản ánh mong muốn của KDB và KOBC trong việc “kiếm tiền từ lượng trái phiếu HMM do KDB nắm giữ”.
Cả Harim-JKL, Dongwon và LX đều đang huy động vốn bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả việc bán tài sản, để tiếp quản HMM với mức giá ước tính từ 5 nghìn tỷ won (khoảng 3,5 tỷ USD) đến 10 nghìn tỷ KRW (khoảng 7,4 tỷ won).
Tuy nhiên, chuyên gia Tan Hua Joo từ hãng tư vấn Linerlytica nói với The Loadstar rằng: “Có vẻ như không có người mua tiềm năng nào có thể đáp ứng được mức giá bán yêu cầu, và tôi cho rằng thương vụ này sẽ không đi xa thêm được”.
Những nỗ lực gần đây nhằm bán các công ty vận tải biển Hàn Quốc, các doanh nghiệp được xem là có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước đưa đến kết quả là thương vụ có thể bị hủy bỏ hoặc doanh nghiệp được quốc hữu hóa dưới một hình thức nào đó.
Vào tháng 7 vừa qua, doanh nghiệp tư nhân Hàn Quốc IMM đã hủy bỏ kế hoạch bán đơn vị vận chuyển LNG trước đây thuộc sở hữu của HMM, Hyundai LNG Shipping, có khách hàng chính là doanh nghiệp nhà nước Korea Gas Corp. Động thái này được cho là đến từ áp lực của chính phủ Hàn Quốc. Cả JP Morgan và Goldman Sachs được cho là đều đã thể hiện sự quan tâm đến việc mua lại Hyundai LNG, nhưng thương vụ này dấy lên sự lo ngại về quyền kiểm soát của nước ngoài đối với chuỗi cung ứng LNG của Hàn Quốc.
Tiếp đó vào tháng 9, Woori PE (thành viên của Ngân hàng Woori), cùng với HMM và KOBC đã thành lập một liên danh để mua Polaris Shipping, hãng vận tải nắm giữ các hợp đồng vận chuyển lớn với nhà sản xuất thép Posco, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc và công ty khai thác mỏ Vale của Brazil. Liên danh này được cho là đang trả 448 triệu USD để sở hữu Polaris, sau khi chính phủ Hàn Quốc được cho là lo ngại rằng tập đoàn hàng hải Cosco (Trung Quốc) muốn mua lại công ty này.
Trong khi đó thì ở Đông Nam Á, người Thái cũng đang cân nhắc thành lập một một hãng tàu quốc doanh. Vào trung tuần tháng 10, Bộ giao thông vận tải Thái Lan cho biết họ đang tiến hành một nghiên cứu khả thi để phát triển một hãng tàu do nhà nước kiểm soát. Các nguồn tin nói với Bangkok Post rằng hãng tàu sẽ khởi động với bốn tàu container, và sẽ vận chuyển 2% lượng hàng xuất nhập khẩu của cả nước.
Xem thêm:
- Hapag-Lloyd không tiếp tục tham gia thương vụ mua HMM
- SM Group từ bỏ kế hoạch mua lại hãng tàu HMM
- HMM báo cáo lợi nhuận giảm hơn 90% trong nửa đầu năm
- SM Line đang lên kế hoạch mua lại HMM với giá 3 tỷ USD
- HMM (Hyundai Merchant Marine) - Hãng tàu container lớn nhất Hàn Quốc
Nguồn: Phaata.com (Theo The Loadstar)
Phaata.com - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam
► Tìm Cước vận chuyển & Dịch vụ logistics tốt hơn!