SM Line đang lên kế hoạch mua lại HMM với giá 3 tỷ USD
Hãng tàu lớn thứ 4 của Hàn Quốc - SM Line - đã xác nhận đang có kế hoạch mua lại HMM, nếu hãng lớn nhất Hàn Quốc này chính thức được rao bán.
Tàu container của Hãng tàu SM Line (Ảnh: SM Line)
SM Line, hãng tàu lớn thứ 4 của Hàn Quốc, đã kết thúc tin đồn trong nhiều tháng qua khi xác nhận rằng hãng đang có kế hoạch mua lại HMM, nếu hãng lớn nhất Hàn Quốc này chính thức được rao bán. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Nhật báo kinh tế Hàn Quốc hôm 19/7, Chủ tịch Tập đoàn SM Woo Oh-hyun đã xác nhận ý định sẽ đấu thầu mua hãng tàu số một Hàn Quốc.
Được thành lập từ năm 2016, SM Line đã mua lại các tài sản của hãng tàu Hanjin, bao gồm cả mảng kinh doanh vận chuyển đến Mỹ. Hoạt động này chính thức vận hành dưới thương hiệu SM Line vào năm 2018, và hiện nay theo Alphaliner, SM Line đứng thứ 26 trong danh sách 100 hãng tàu lớn nhất thế giới. SM Line sở hữu 12 tàu và có khai thác thêm 3 tàu thuê, với tổng sức chở tổng 15 tàu là hơn 68.000 TEU. Tàu lớn nhất mà SM Line đang khai thác có trọng tải 80.000 DWT, sức chở 6.655 TEU.
HMM có quy mô lớn hơn SM Line nhiều lần, hiện hãng được xếp ở vị trí thứ chín trên bảng xếp hạng Alphaliner. HMM khai thác 72 tàu, hãng sở hữu 37 tàu và 35 tàu khác là đang được thuê lại. Tổng sức chở đội tàu HMM là hơn 790.000 TEU. Hãng cũng đang nỗ lực hiện đại hóa đội tàu với việc đã đặt hàng đóng mới thêm 26 tàu container khác. HMM cũng sở hữu tàu chở dầu, tàu chở hàng rời cũng như một số ít tàu chở hàng nặng (heavy-lift vessel). Trong năm 2022, hãng cũng đã vạch ra một kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ cho giai đoạn sắp tới.
Giới thạo tin đã lưu ý về dự định của Tập đoàn SM trong hơn một năm qua, kể từ thời điểm SM công khai rằng họ đang mua cổ phiếu của HMM. Khoản đầu tư ban đầu chỉ là 60.000 cổ phiếu vào tháng 12/2021 nhưng vào thời điểm đó, SM cho biết đây chỉ là một khoản đầu tư thông thường, phủ nhận tin đồn rằng họ đang có ý định xa hơn. Đến giữa năm 2023, Tập đoàn SM đã nắm giữ hơn 5% cổ phần của HMM và sau đó thực hiện một giao dịch mua tiếp, giao dịch này được thông báo vào đầu tháng 7 vừa qua. Nắm giữ hơn 6,5% cổ phần HMM, SM hiện là nhà đầu tư lớn thứ ba của hãng tàu số một Hàn Quốc.
Hai cổ đông lớn nhất của HMM là Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB), một ngân hàng do nhà nước điều hành, và tập đoàn tài chính Korea Ocean Business Corp., tập đoàn do nhà nước kiểm soát, mỗi bên nắm giữ khoảng 20% cổ phần HMM kể từ thời điểm chính phủ tung gói cứu trợ vào năm 2016 để hỗ trợ Hyundai Merchant Marine, tên gọi trước đó của HMM. Hyundai Merchant Marine đã gặp rất nhiều khó khăn trong thời kỳ suy thoái kéo dài trên thị trường vận tải container đường biển.
Tàu container của Hãng tàu HMM (Ảnh: HMM)
Tập đoàn SM nói với Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc rằng họ đã sẵn sàng trả giá lên tới khoảng 3 tỷ USD cho HMM khi thương vụ được chính thức được triển khai. Đầu năm nay, các cơ quan chính phủ đã thành lập một ủy ban tư vấn để đưa ra các phương án tốt nhất để tư nhân hóa HMM. Đã có nhiều đồn đoán ở Hàn Quốc trong hơn hai năm qua rằng các ngân hàng của chính phủ đang xây dựng một lộ trình để đưa hãng tàu này về cho tư nhân kiểm soát. Đây là động thái kế tiếp sau khi sau khi các ngân hàng đã bán cho tư nhân các khoản đầu tư vào lĩnh vực đóng tàu, bao gồm việc bán và tái cấp vốn cho Daewoo Shipbuilding and Marine Engineering cho Tập đoàn Hanwha, thương vụ hoàn thành vào đầu năm 2023.
Trong khi đó, SM Line báo cáo rằng hãng có tiền mặt và các khoản đầu tư cũng như khoản vay ngân hàng lên tới gần 3,5 tỷ USD. Dựa trên đánh giá của SM về HMM, đó là mức giá hợp lý tối đa và SM nói với Nhật báo Kinh tế Hàn Quốc rằng họ sẽ bỏ cuộc nếu giá bán vượt quá ngưỡng đó, dù chỉ vượt một won.
Thách thức đối với đầu tư của tư nhân vào HMM là về lượng trái phiếu chuyển đổi. HMM đã phát hành trái phiếu để huy động vốn sau gói cứu trợ ban đầu và hiện nay, lượng trái phiếu này hầu hết được nắm giữ bởi hai tổ chức nêu trên. Nếu họ chuyển đổi trái phiếu, tỷ lệ sở hữu của hai tổ chức sẽ tăng từ khoảng 40% lên gần 75%, khiến thỏa thuận này là không thể thực hiện được, theo quan điểm từ lãnh đạo của Tập đoàn SM. KDB cũng đã thừa nhận thách thức do trái phiếu chuyển đổi tạo ra, và chỏ ằng thương vụ này có thể được thực hiện theo từng giai đoạn, và ngân hàng cũng đang yêu cầu các cố vấn xây dựng kế hoạch tốt nhất để thu hút đầu tư tư nhân.
Tập đoàn SM, tập đoàn lớn thứ 30 của Hàn Quốc cũng có các khoản đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và các lĩnh vực kinh doanh khác. SM tin rằng đây sẽ là cơ hội thúc đẩy HMM trở thành công ty vận chuyển lớn nhất châu Á. Tuy nhiên, tập đoàn cũng đã nêu ra khả năng là sẽ rút khỏi ngành kinh doanh vận tải biển nếu họ không thành công trong việc mua HMM.
Các ngân hàng Hàn Quốc vẫn chưa công bố cấu trúc của đợt chào bán hoặc thời gian bán cổ phần của HMM. Việc lập kế hoạch đang trở nên phức tạp hơn vì sự suy thoái trong ngành vận tải container đường biển sau khi ngành đã tăng đột biến trong thời kỳ đại dịch. Những thay đổi trong thị trường vận tải biển và tài chính cũng khiến các nhà đầu tư tư nhân sở hữu Hyundai LNG Shipping trì hoãn kế hoạch bán doanh nghiệp. Chính HMM đã tham gia đấu thầu để mua lại đơn vị vận chuyển LNG trước đây của mình như một phần trong kế hoạch tăng trưởng của tập đoàn.
Xem thêm:
Nguồn: Phaata.com (Theo The Maritime Executive)
Phaata - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam
► Kết nối Chủ hàng & Công ty logistics nhanh hơn!