“Đi chợ” container quốc tế trên sàn TMĐT logistics của người Việt
Với sự kết nối giao dịch giữa chủ hàng – doanh nghiệp logistics linh hoạt và dễ dàng, Phaata là Sàn giao dịch Logistics Quốc tế đầu tiên của Việt Nam thành công dựa trên nền tảng công nghệ 4.0.
Phaata chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020. Thông qua Phaata, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn đối tác, chủ động sắp xếp thời gian, chi phí vận chuyển hợp lý khi được báo giá chi tiết theo giá cước và từng loại phụ phí phát sinh… hoàn toàn bằng phần mềm công nghệ Phaata.com. Cho đến nay, cộng đồng Phaata đã có hơn 1.300 doanh nghiệp logistics tham gia.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Hoài Chung - CEO Phaata về những khác biệt tạo nên sự thành công của mô hình Phaata, phân tích nhu cầu cần thiết phải chuyển đổi số của thị trường và sự thích ứng của các doanh nghiệp logistics Việt Nam trước làn sóng công nghệ hiện đại…
Ông Nguyễn Hoài Chung - Founder & CEO Phaata
- Mô hình sàn thương mại điện tử ngành logistics đã được một số doanh nghiệp triển khai nhưng hầu hết đều "chết yểu". Bí quyết nào giúp Phaata có thể trụ vững và thành công, thưa ông?
Phaata không giống những sàn TMĐT vận tải khác. Phaata là nền tảng sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên ở Việt Nam với mô hình kinh doanh và hướng đi hoàn toàn khác.
Logistics là một lĩnh vực rất đặc thù, đặc biệt là logsitics quốc tế thì sự phức tạp càng nhiều hơn. Vì vậy, Phaata cần phải thấu hiểu sâu được ngành logistics cả về nghiệp vụ logistics, hành vi người dùng, xu hướng phát triển của thị trường... để có thể xây dựng một nền tảng sàn TMĐT logistics đáp ứng được nhu cầu của chủ hàng/ công ty xuất nhập khẩu và công ty logistics. Bên cạnh đó, Phaata đã cố gắng giải quyết được bài toán khó "con gà quả trứng" và đặc biệt là phải xây dựng được uy tín trên thị trường để tạo được sự tin cậy cho người dùng tham gia sử dụng.
Ngoài ra, Phaata có được yếu tố tiên phong, phát triển được cộng đồng logistics rộng lớn và may mắn nhận được sự ủng hộ từ các chủ hàng/công ty xuất nhập khẩu, công ty logistics, và cộng đồng logistics đã dành cho sáng lập và đội ngũ phát triển Phaata.
Hiện nay Phaata đã có hơn 100.000 người dùng truy cập mỗi tháng, có hơn 1.300 gian hàng của các công ty logistics, hơn 10.000 yêu cầu chào giá từ các chủ hàng, trên 30.000 chào giá từ các công ty logistics. Ngoài ra, chúng tôi đã phát triển được cộng đồng "LOGISTICS VIETNAM" với hơn 250.000 thành viên trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và logistics. Đây là cộng động logistics lớn và uy tín hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Hiện nay Phaata đã có hơn 1.300 gian hàng của các công ty logistics, hơn 10.000 yêu cầu chào giá từ các chủ hàng, trên 30.000 chào giá từ các công ty logistics
- Phaata phát triển trên nền tảng phần mềm công nghệ, ông và các cộng sự đã làm như thế nào để đưa Phaata tiếp cận gần hơn với doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics?
"Vạn sự khởi đầu nan", đặc biệt sẽ càng khó khăn hơn khi là người tiên phong. Đối với Phaata cũng vậy, trong những ngày đầu thật sự có rất nhiều khó khăn. Bên cạnh việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm thì việc "educate" thị trường và người dùng hiểu được mô hình và giải pháp của Phaata cũng gặp nhiều khó khăn bởi trước đó trên thị trường chưa từng có sản phẩm giống như vậy. Thời gian đầu, hầu hết mọi người chưa hiểu và nghĩ rằng Phaata như là một công ty logistics. Nhưng không phải như vậy. Phaata là nền tảng sàn TMĐT giúp kết nối giao dịch giữa các chủ hàng và công ty logistics trực tiếp với nhau. Phaata giúp các chủ hàng/công ty xuất nhập khẩu có thể tìm được giá cước vận chuyển và dịch vụ logistics tốt hơn; và giúp các công ty logistics phát triển marketing và sales hiệu quả hơn.
Để giúp tiếp cận thị trường và người dùng được tốt, bên cạnh việc hoàn thiện sản phẩm liên tục, chúng tôi đã kiên trì phát triển và liên tục mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng. Đến thời điểm hiện nay thì đã có những tín hiệu tốt, thị trường cũng đã hiểu về Phaata ngày càng nhiều hơn. Nhiều khách hàng lớn đã biết đến và sử dụng Phaata như: Hãng tàu COSCO, Tổng công ty Tân cảng Sài gòn, Thilogi, U&I logistics, Cảng Đồng Nai, Interlink, Legend Cargo, ASL, Seahorse Shipping, Pacific Lines, AIL, Pam Cargo,...
- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển và nhu cầu "số hóa" của thị trường logistics Việt Nam từ nay đến 2025?
Số hóa là bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số. Số hóa là một xu hướng bắt buộc đối các công ty trong ngành logistics nếu muốn tăng hiệu quả công việc, đủ sức cạnh tranh và phát triển trong thời gian tới. Xu hướng này vừa là cơ hội và cũng là thách thức lớn cho nhiều công ty logistics hiện nay.
Theo báo cáo của MarketandMarkets, quy mô thị trường công nghệ số trong ngành logistics toàn cầu đạt 17,4 tỷ USD trong năm 2020, và dự báo đến năm 2025 ước tính đạt 46,5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) khá cao đến 21,7%. Số liệu này cho thấy các công ty logistics trên thế giới đang sẵn sàng áp dụng các giải pháp chuyển đổi số cho các hoạt động logistics và chuỗi cung ứng hàng ngày của họ để phục vụ khách hàng tốt hơn và để có thể cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường.
Nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong ngành logistics trên thế giới đang phát triển nhanh chóng là do yêu cầu ngày càng cao về các giải pháp logistics và chuỗi cung ứng để tối ưu hiệu quả về chi phí trên nhiều ngành dọc khác nhau. Sự kỳ vọng ngày càng cao của chủ hàng/công ty xuất nhập khẩu về các biện pháp kiểm soát chi phí và chất lượng dịch vụ logistics đã thúc đẩy nhanh sự phát triển của thị trường này.
Tuy nhiên, ở thị trường Việt Nam, tôi nhận thấy rằng, ngoài số ít các công ty logistics lớn có khả năng cung cấp nhiều dịch vụ logistics tích hợp, có tầm nhìn và nhiều nguồn lực thì đang đẩy mạnh đầu tư vào chuyển đổi số để chuẩn bị đón đầu xu hướng. Trong khi đó, phần lớn với hơn 80% các công ty logistics quy mô nhỏ với nhiều hạn chế và có đặc thù riêng nên hiện tại vẫn còn khá chậm và loay hoay trước xu hướng chuyển đổi số. Tuy nhiên, trước sự thay đổi rất nhanh của thị trường và áp lực cạnh tranh rất lớn trong thời gian tới, bắt buộc các công ty logistics nhỏ cũng phải thay đổi để tồn tại và phát triển. Và sự thay đổi đó sẽ dựa trên ứng dụng công nghệ số. Vì vậy, tôi cho rằng nhu cầu ứng dụng công nghệ số trong ngành logistics ở Việt Nam sẽ tăng mạnh trong những năm tới.
Số hóa là một xu hướng bắt buộc, vừa là cơ hội và cũng là thách thức lớn cho nhiều công ty logistics hiện nay
- Sau đại dịch thói quen mua sắm tiêu dùng có sự thay đổi lớn, hướng đến tiêu dùng thương mại điện tử. Điều này tác động không nhỏ đến xu hướng phát triển của các doanh nghiệp logistics. Ông đánh giá như thế nào về sự thích ứng của các doanh nghiệp logistics trước làn sóng ứng dụng công nghệ số?
Thương mại điện tử ở Việt Nam đang phát triển nhanh với tốc độ rất nhanh. Theo số liệu do Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) công bố mới đây, trong năm 2021, lĩnh vực này đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%, với quy mô thị trường đạt trên 16 tỷ USD. Tốc độ này được dự báo sẽ cao hơn nữa trong năm 2022. Điều này kéo theo sự phát triển mạnh của ngành logistics nói chung, cụ thể là mảng e-logistics, để đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng nhanh của TMĐT. Vì vậy, các doanh nghiệp logistics, cụ thể là những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ e-logistics, giao hàng chặng cuối, buộc phải ứng dụng chuyển đổi số để cải tiến quy trình nghiệp vụ, nâng cao năng suất, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Tuy là cùng đứng trước làn sóng ứng dụng công nghệ số hiện nay, nhưng các doanh nghiệp ở những ngành nghề khác nhau thì có sự thích ứng và chuyển đổi số khác nhau. Sự khác nhau này dựa trên 2 yếu tố đó là: mức độ cạnh tranh của thị trường và nhu cầu của chính doanh nghiệp đó.
Ngay trong chính ngành logistics cũng có sự thích ứng khác nhau. Đối với những doanh nghiệp logistics lớn có khả năng cung cấp giải pháp logistics tích hợp hay những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ e-logistics, chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối với số lượng giao dịch lớn hàng ngày đã năng động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số. Tuy nhiên, còn hơn 80% doanh nghiệp logistics nhỏ với nghiệp vụ chính là mua bán cước hoặc cung cấp vài dịch vụ giao nhận đơn lẻ thì mức độ quan tâm chưa cao.
Nếu doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội từ xu hướng chuyển đổi số này thì có thể sẽ bứt phá nhanh và thành công trong giai đoạn mới, ngược lại sẽ bị bỏ lại phía sau do sự chậm thay đổi, cho dù trước đây họ từng là những doanh nghiệp thành công. Chính vì vậy cấp lãnh đạo của các công ty logistics cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng và tiềm năng của việc ứng dụng công nghệ số, để có chiến lược phát triển phù hợp.
- Ông có thể cho biết kế hoạch phát triển trong tương lai của Phaata?
Phaata vẫn tiếp tục tập trung vào hoàn thiện sản phẩm, tăng trải nghiệm người dùng, mở thêm dịch vụ để tăng thêm giá trị và tiện ích cho người dùng. Trong 2 năm tới, Phaata đặt mục tiêu sẽ cố gắng mời được hầu hết các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu ở Việt Nam tham gia sử dụng, từ đó, làm bàn đạp để tiếp tục mở rộng sang các nước Đông Nam Á trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Thu Duyên | Diendandoanhnghiep.vn