Ông lớn ngành vận tải biển CMA CGM vẫn lãi hơn tỷ đô trong quý 2
CMA CGM báo cáo lợi nhuận ròng của hãng trong quý 2/2023 là 1,33 tỷ USD, giảm 82% so mức kỷ lục vào năm trước và giảm 34% so với quý 1; Doanh thu trên mỗi FEU vẫn cao hơn 36-37% so với mức trước dịch COVID-19.
Tàu container của hãng tàu CMA CGM (Ảnh: CMA CGM)
Hãng tàu CMA CGM của Pháp, hãng vận tải biển lớn thứ ba thế giới, đã tổng kết hoạt động quý 2/2023 với cả tin xấu và tin tốt. Tin xấu là lợi nhuận tiếp tục giảm, còn tin tốt, là hãng vẫn đang thu về hơn một tỷ USD mỗi quý, doanh thu và lợi nhuận ròng trên mỗi container vận chuyển vẫn cao hơn nhiều so với mức trước COVID và hãng vẫn có lượng tiền mặt khổng lồ nhờ khoản lợi nhuận đột biến trong giai đoạn bùng nổ của ngành vận tải biển.
Ngày 28/7 vừa qua, ông Rodolphe Saade, Giám đốc điều hành CMA CGM cho biết “hãng vẫn đang đạt hiệu quả cao” bất chấp “điều kiện thị trường khó khăn”, và trong bối cảnh giá cước vận chuyển “vẫn ở trong giai đoạn bình ổn”.
Vẫn dồi dào tiền mặt
CMA CGM báo cáo lợi nhuận ròng của hãng trong quý 2/2023 là 1,33 tỷ USD, giảm 82% so mức kỷ lục vào năm trước và giảm 34% so với quý đầu tiên của năm 2023.
Dù suy giảm so với giai đoạn cao điểm, nhưng kết quả này về cơ bản vẫn là tốt hơn so với hiệu quả kinh doanh thời kỳ trước đại dịch. Trong 2 năm 2018 và 2019, CMA CGM đã công bố khoản lỗ ròng 109 triệu USD trong quý 2/2019 và thu nhập ròng là 22,7 triệu USD trong quý 2/ 2018.
Kết quả quý 2/2023 được cho là phù hợp với kỳ vọng của CMA CGM. Trước đó vào cuối tháng 5, hãng tàu có trụ sở tại Marseille cho biết rằng hãng kỳ vọng quý đầu tiên sẽ là quý tốt nhất trong năm 2023. Với kết quả đã công bố thì từ góc nhìn của CMA CGM, dự báo thị trường tiếp tục đi xuống trong phần còn lại của năm 2023 là không thay đổi. Hãng cho rằng sự kết hợp giữa “nhu cầu chưa rõ ràng” và nhiều tàu mới được đưa vào thị trường “có khả năng ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển, đặc biệt là trên các tuyến Đông-Tây”.
Bất chấp việc mua lại nhiều doanh nghiệp và có kế hoạch đóng tàu mới khá hoành tráng, CMA CGM vẫn còn dư dả tiền mặt, yếu tố tạo tiền đề giúp hãng có thể “vượt qua giai đoạn khó khăn”. Tính đến ngày 30/6, CMA CGM có “nguồn tài chính ròng trừ nợ” là 3,8 tỷ USD, giảm 1,85 tỷ USD so với cuối năm ngoái. (Tính đến quý 2/2019, tập đoàn có khoản nợ ròng là 18,6 tỷ USD.)
Bộ phận vận tải biển của tập đoàn đã báo cáo doanh thu 2.983 USD trên mỗi FEU trong quý 2/2023, giảm 16% so với quý đầu tiên của năm nay, nhưng vẫn cao hơn 36% so với quý 2/2018 và 37% so với quý 2/2019.
Sản lượng và doanh thu của hãng tàu CMA CGM trong quý 2/2023 (Nguồn: CMA CGM)
Trên hành trình trở thành hãng tàu lớn thứ hai thế giới
Hãng tàu số 1 của Pháp có thể vượt qua Maersk để trở thành hãng vận tải lớn thứ hai thế giới trong vài năm tới.
Theo dữ liệu của Alphaliner, CMA CGM hiện đang khai thác đội tàu gồm 627 tàu với tổng sức chở 3,5 triệu TEU (bao gồm cả tàu mà hãng sở hữu và tàu hãng thuê lại). CMA CGM đang đặt hàng đóng mới 119 tàu với tổng sức chở 1,2 triệu TEU, tỷ lệ sức chở của lượng tàu đóng mới so với đội tàu hiện khai thác là 35%.
Xét về công suất, lượng tàu đóng mới của CMA CGM có tổng sức chở chỉ đứng sau MSC, hãng tàu container lớn nhất thế giới (MSC đang đóng mới 116 tàu với tổng sức chở gần 1,45 triệu TEU). Alphaliner nhận định: “Các đơn đặt hàng gần đây nhất của CMA CGM cho thấy hãng có tham vọng tăng trưởng nhanh hơn”.
Tổng công suất lượng tàu đóng mới của CMA CGM là cao gấp ba lần của Maersk (hiện ở mức xấp xỉ 400.000 TEU). Alphaliner tin rằng tập đoàn hàng hải từ Pháp có thể soán vị trí thứ hai về quy mô đội tàu vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Mốc thời gian này dựa trên giả định rằng một nửa công suất đóng mới của CMA CGM sẽ thay thế các tàu mà hãng hiện đang thuê và một nửa sẽ là tăng trưởng đội tàu, trong khi Maersk tuyên bố rằng họ sẽ chủ yếu sử dụng các tàu đóng mới để thay thế lượng tàu đang đi thuê, chứ không chủ trương phát triển đội tàu của mình.
Động thái gia tăng công suất mạnh mẽ
Tăng trưởng sức chở trong tương lai của CMA CGM đến từ những hoạt động tích cực của hãng ở cả thị trường mua tàu cũ và thị trường thuê tàu. Theo Alphaliner, kể từ tháng 8 năm 2020, CMA CGM đã mua đến 105 tàu container với tổng sức chở 427.000 TEU, chỉ đứng sau MSC.
Còn trên thị trường cho thuê tàu trong năm nay, Alphaliner ghi nhận CMA CGM là hãng tàu bận rộn nhất cho đến thời điểm này. Tính đến cuối tháng 7/2023, hãng vận tải biển đến từ Pháp đã thuê 170 tàu, nhiều hơn gấp bốn lần so với hãng tàu ở vị trí số 2 là COSCO với số lượng thuê 40 tàu.
Từ góc nhìn chiến lược, CMA CGM đang dùng lợi nhuận đột biến thu được từ cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng để nâng tầm hãng tàu trong dài hạn hơn là móc tiền ra khỏi túi và làm giàu cho cổ đông thông qua mức chia cổ tức cao ngất ngưỡng.
Theo tư vấn Alphaliner, “Lợi nhuận ròng của tập đoàn CMA CGM là 24,9 tỷ USD vào năm 2022 là cột mốc lịch sử khi tập đoàn đã đánh dấu mức lợi nhuận thường niên lớn nhất từng được ghi nhận với doanh nghiệp ở Pháp. Không giống như một số hãng vận tải lớn khác, tập đoàn có trụ sở tại Marseille đã chọn không chi trả cổ tức đáng kể cho cổ đông, mà thay vào đó đã tái đầu tư 90% lợi nhuận, tương đương 21,8 tỷ USD, vào hoạt động kinh doanh của hãng.”
Xem thêm:
- Cước vận tải biển: Tin tốt và tin xấu
- Dự báo thị trường vận tải container nửa cuối năm 2023
- CMA CGM tái đầu tư gần 90% lợi nhuận kỷ lục đạt được trong năm 2022
- Hãng tàu CMA CGM - Hãng tàu container lớn nhất của Pháp
Nguồn: Phaata.com (Theo Freightwaves)
Phaata - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam
► Kết nối Chủ hàng & Công ty logistics nhanh hơn!