Thảm họa rơi mất container: Giải mã tai nạn và hậu quả tới môi trường biển
Có thể nói, 2020 là một năm vô cùng đặc biệt và quá “khắc nghiệt” đối với ngành Logistics: Khởi đầu với virus Covid-19, cho đến tai nạn đường thủy, giá cước tăng cao, khan hiểm chỗ trên tàu và gần đây nhất là tình trạng thiếu container rỗng trầm trọng trên toàn thế giới…
Nhìn lại những tai nạn tàu container
Dù đã đến tháng cuối cùng của năm 2020, nhưng ngành Logistics vẫn phải đón nhận thêm một tin sốc: Gần 1.900 container bị sập trên tàu ONE Apus, một con số kỷ lục trong lịch sử.
Thảm họa này một lần nữa gợi nhắc các rủi ro mà tàu container, hàng hóa và thủy thủ đoàn có thể gặp phải trên hành trình xuyên đại dương. Gia tốc tác động lên tàu bao gồm cả chuyển động dọc thân tàu, thẳng đứng và chuyển động ngang, tất cả tạo thành 6 trường hợp nghiêng lắc khác nhau, khiến kế hoạch xếp hàng và chằng buộc phải luôn đúng quy cách.
Các trường hợp nghiêng lắc của tàu container
Vào tháng 5 năm nay, khi tàu APL England làm thất lạc 40 container và sập 74 container trong hành trình, Thuyền trưởng tàu đã bị quy trách nhiệm khi nhiều container không được chằng buộc phù hợp và nhiều bộ phận chằng buộc bị phát hiện hư hỏng và rỉ sét nặng.
Không những thế, Cơ quan An toàn Hàng Hải Úc còn yêu cầu Hãng tàu APL, trụ sở tại Singapore phải nộp phạt 22 triệu USD, nếu không con tàu này sẽ bị giam giữ tại cảng Brisbane.
Trong các trường hợp nghiêng lắc trên, lắc ngang (roll) là chuyển dịch nguy hiểm nhất đối với một tàu container. Có thể thấy trong báo cáo ban đầu từ tàu container One Apus, thời tiết khắc nghiệt với nhiều cơn sóng cồn đã khiến tàu bị lắc ngang dữ dội, gây ra tình trạng sập và thất lạc container ngay giữa biển.
Tàu container One Apus đã bị lắc ngang (roll) dữ dội và làm sập container khi gặp phải thời tiết khắc nghiệt
Theo cập nhật của Hội đồng Vận chuyển Thế giới, từ năm 2008 đến 2019, trung bình có 1.382 container bị thất lạc giữa biển mỗi năm.
Số lượng container bị rơi xuống biển và thất lạc hàng năm trên biển trong quá trình vận chuyển
Chính vì thế, với số thiệt hại ước tính ban đầu lên đến 1.900 container, các chuyên gia cho rằng ONE Apus có thể là thảm họa tàu container tồi tệ nhất lịch sử với chi phí đền bù lên đến 50 triệu USD.
Hậu quả của container thất lạc cho môi trường biển
Tuy các tai nạn thất lạc container ít xuất hiện hơn các thảm họa tràn dầu trên thế giới, nhưng tính phức tạp của nó đã khiến không ít hiệp hội bảo vệ môi trường bày tỏ lo ngại sâu sắc.
Hiện chưa có bất kỳ bộ luật quốc tế nào quy định cụ thể về các bước phải thực hiện sau khi một container bị thất lạc giữa biển, nhưng tác động đến môi trường của nó đã khiến nhiều tổ chức phải lên tiếng, đặc biệt là khi hàng hóa bị đổ tràn ra biển hoặc trôi dạt lên bờ.
Đơn giản mà nói, một khi container đã rơi xuống biển, nó nhanh chóng mất đi giá trị và trở thành nguy cơ cho môi trường cũng như các tàu bè trên tuyến đó.
Trong nhiều trường hợp, container còn đổ tràn nguyên liệu ra biển, chẳng hạn như ca cao, sữa bột và ngũ cốc, tạo một lớp phủ bề mặt, gây tác hại không kém các tai nạn tràn dầu.
Cũng trong năm nay, khi tàu MSC Zoe thất lạc 270 container trên hành trình của mình, đã có vài bao tải Peroxit hữu cơ nặng đến 25 ký trôi dạt vào bờ biển Hà Lan, khiến quân đội nước này lập tức được điều động vì hóa chất kia có khả năng tẩy mạnh, gây nguy hiểm cho người và động vật tiếp xúc.
Peroxit hữu cơ trôi dạt vào bờ biển Hà Lan
Còn đối với các container chìm sâu dưới biển thì sao?
Trong một đợt lặn nghiên cứu vào năm 2004, Viện nghiên cứu thủy cung Vịnh Monterey tại Mỹ đã định vị được một container chở đầy lốp xe tại độ sâu 1.300 mét dưới mặt nước biển.
Từ số hiệu trên container, Viện nghiên cứu nhanh chóng xác định nó nằm trong danh sách 15 container đã bị rơi khỏi tàu Med Taipei trong một chuyến hải trình 4 tháng trước.
Contaier chứa hàng hóa được tìm thấy dưới đáy biển
Tìm được một container dưới đáy biển được ví như “mò kim đáy bể”, nên Viện nghiên cứu đã ghi chú tọa độ để nghiên cứu tác động của nó trong 7 năm sau.
Sau 7 năm, các nhà khoa học nhanh chóng nhận ra các loài vật thường được tìm thấy trên mặt đá như Sâu ống, ngêu, ốc biển… đã bám đầy lên thành container.
Các loài vật thường được tìm thấy trên mặt đá như Sâu ống, ngêu, ốc biển… bám đầy lên thành container
Tuy nhiên, số lượng sinh vật xung quanh container thấp hơn hẳn so với bán kính xung quanh. Đây rất có thể là do lớp sơn có chứa kẽm bao bọc xung quanh container, khiến nhiều sinh vật như San hô, Sao biển, Động vật thân lỗ… tránh xa. Đó là chưa kể đến phần rạn san hô bị container đè lên và phá hỏng.
- Xem thêm:
- Các nguyên nhân container rơi mất giữa biển? Trách nhiệm thuộc về ai và Chủ hàng phải làm gì?
- Sập container trên tàu ONE Apus, hàng hóa bị thiệt hại có thể vượt quá con số 1.900 container
- Dịch vụ vận chuyển FP2 của hãng tàu ONE bị sập đỗ container 2 lần trong một tháng
- Bồi thường bảo hiểm từ vụ sập container trên tàu ONE Apus lên tới 50 triệu USD
Phaata (Tổng hợp)
Phaata.com - Nơi có nhiều lựa chọn Cước vận chuyển & Công ty Logistics nhất