Các hãng tàu container châu Á có lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng đột biến
Các hãng tàu container châu Á, khai thác thị trường toàn cầu hay trong khu vực đều đã có mức tăng lợi nhuận khổng lồ khi giá cước tăng cao do tắc nghẽn cảng và gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tàu container của Hãng tàu OOCL (Ảnh: OOCL)
Công ty TNHH Orient Overseas (International) Ltd (OOIL) được niêm yết tại Hồng Kông, sở hữu hãng tàu OOCL, đã báo cáo lợi nhuận ròng nửa đầu năm tăng vọt lên 2,81 tỷ USD so với 155 triệu USD trong cùng kỳ năm 2020. Với lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) là 2,85 tỷ USD, OOCL đã có hệ số EBIT là 40,8%.
Doanh thu cũng tăng hơn gấp đôi trong nửa đầu năm 2021 lên 6,99 tỷ USD so với 3,43 tỷ USD một năm trước.
OOCL đã liệt kê hàng loạt thách thức hoạt động đã được biết đến hiện nay như tắc nghẽn cảng, thiếu vỏ container rỗng, phòng chống dịch Covid tại các bến cảng container, tranh chấp lao động và các vấn đề tương tự đã kết hợp với sự gia tăng mạnh về nhu cầu và dẫn đến thiếu công suất.
OOCL cho biết: “Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi tăng công suất, cung và cầu đã mất cân bằng nghiêm trọng do nhu cầu mạnh hơn dự kiến và cũng có nhiều thách thức trong hoạt động”.
“Các yếu tố thị trường này đã gây áp lực tăng giá cước vận tải trên hầu hết các tuyến vận chuyển. Ngoài các yếu tố thị trường này, chúng tôi đã cẩn thận kiểm soát chi phí, thúc đẩy lợi nhuận tăng mạnh mẽ trong giai đoạn này.”
Sự gia tăng nhu cầu và giá cước vận tải không bị hạn chế đối với các tuyến đường dài và tuyến trung chuyển ngắn. Hãng tàu RCL (Regional Container Lines) - hãng vận tải nội Á - báo cáo lợi nhuận quý 2 năm 2021 đặt 3,2 tỷ THB (96,12 triệu USD), tăng 14 lần so với cùng kỳ năm ngoái năm. Trong nửa đầu năm 2021, lợi nhuận đạt 6,1 tỷ THB so với mức 228 triệu THB trong cùng kỳ năm 2020.
Hãng vận tải container được niêm yết tại Thái Lan cho biết giá cước vận tải container trong quý 2 đã tăng "đáng kinh ngạc" 78% và kết quả là doanh thu quý 2 năm 2021 của hãng đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên 7,9 tỷ THB.
Trong khi đó, hãng tàu HMM của Hàn Quốc báo cáo lợi nhuận hoạt động cao nhất từ trước đến nay của mình là 2,41 triệu KRW (2,05 tỷ USD) so với 136,7 tỷ KRW trong nửa đầu năm 2020. Doanh thu cũng tăng 98,4% trong nửa đầu năm 2021 lên 5,33 triệu KRW.
Dự đoán về thị trường trong thời gian tới, HMM cho biết: “Giá cước tăng cao dự kiến sẽ kéo dài ít nhất trong năm nay. Chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ vẫn căng thẳng, do tắc nghẽn ở các cảng lớn, thiếu hụt cả chỗ vận chuyển và container, và nhu cầu hàng hóa tăng lên”.
Và đó cũng là một bức tranh tương tự đối với hãng tàu ZIM (ZIM Integrated Shipping Services), hãng tàu của Israel, đã báo cáo lợi nhuận ròng 888 triệu USD trong quý 2 năm 2021 so với 25 triệu USD trong cùng kỳ năm trước.
ZIM báo cáo rằng giá cước trung bình trong quý 2 đã tăng 119% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.341 USD/TEU. Doanh thu tăng 200% trong quý 2 năm 2021 lên 2,38 tỷ USD, so với 795 triệu USD trong quý 2 năm 2020.
Eli Glickman, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của ZIM nhận xét: “Để thúc đẩy thành công, chúng tôi đã tận dụng các sáng kiến số hóa và đưa ra chiến lược toàn cầu thích hợp của mình để triển khai các tuyến vận chuyển mới nhằm tăng lợi nhuận. Đây là công cụ thúc đẩy kết quả cao nhất mọi thời đại của chúng tôi, khi sản lượng vận chuyển trong quý hai của ZIM tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng chung của thị trường.”
Xem thêm:
- Nhu cầu vận chuyển không bùng nổ trên toàn cầu, vậy tại sao giá cước lại tăng cao kỷ lục?
-
OOCL - Hãng tàu container lớn nhất Hồng Kông - ZIM - Hãng tàu container lớn nhất Israel (ZIM Line)
Nguồn: Phaata.com (Theo SeatradeMaritime)
Phaata.com - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam
► Nơi kết nối Chủ hàng & Công ty logistics nhanh nhất!