e-logistics là gì

 

Nội dung

  1. E-logistics là gì?

  2. Sự hình thành của e-logistics

  3. Các lợi ích của E-logistics

  4. Các loại dịch vụ e-logistics phổ biến

  5. Xu hướng của e-logistics tại Việt Nam

 

1. E-logistics là gì?

E-logistics (logistics điện tử) là việc quản lý dòng chảy hàng hóa và dịch vụ của một tổ chức trên nền tảng trực tuyến (trang web, trang thương mại điện tử, v.v.). E-logistics được ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy sự thích nghi của các hệ thống logistics truyền thống cho hoạt động trực tuyến.

E-logistics là một hoạt động thiết yếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến, với nhiều đặc điểm triển khai và quy trình cụ thể để thật sự hưởng lợi từ sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, tránh tổn thất do quản lý không tối ưu.

E-logistics đảm nhận các công việc khác nhau của chuỗi cung ứng, nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng, bao gồm nhưng không giới hạn: Soạn hàng và đóng gói, Vận chuyển, Thu tiền hộ, Quản lý trả hàng,...

 

2. Sự hình thành của e-logistics

 
Khi sự phát triển của công nghệ thông tin và thương mại điện tử đang làm thay đổi hành vi, thói quen mua sắm và trong sản xuất kinh doanh thì yêu cầu tất yếu đối với sự đổi mới tiên phong của lĩnh vực logistics cũng được đặt ra. Logistics vốn được xem là mắt xích quan trọng kết nối giữa các khâu trong hoạt động sản xuất với nhau và giữa sản xuất với tiêu dùng.  
Trong bối cảnh đó, e-logistics đã ra đời và nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Toàn bộ các hoạt động nhằm hỗ trợ việc di chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch mua bán điện tử được gọi là hoạt động e-logistics.

Với đặc thù của phương thức thương mại điện tử (e-commerce) là có độ phủ thị trường rộng, độ phân tán hàng hóa cao, quy mô nhỏ lẻ, tần suất mua lớn, mặt hàng đa dạng, thường yêu cầu thời gian giao hàng nhanh chóng, miễn phí và thu tiền tận nơi. Các dòng di chuyển hàng hóa lúc này mở rộng đáng kể về phạm vi, khoảng cách và tính phức tạp cao. 

Vì vậy, e-logistics có những khác biệt rất lớn với logistics truyền thống. E-logistics ra đời nhằm giải quyết được yêu cầu rất quan trọng trong giao dịch và phân phối trực tuyến và là giải pháp hỗ trợ các hoạt động lưu kho, chuẩn bị đơn hàng, giao hàng, giao hàn tại kho người bán, giao hàng tại địa chỉ người mua.

 

lợi ích của e-logistics

 

3. Các lợi ích của E-logistics

E-logistics ra đời và mang đến nhiều lợi ích như sau:

 

- Hỗ trợ và tối ưu hoá chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng có 3 dòng chảy chính bao gồm dòng hàng hoá, dòng thông tin, và dòng tài chính (hay dòng tiền). E-logistics  hỗ trợ và tối ưu hóa các dòng này như sau:

  • Dòng hàng hóa: E-logistics hỗ trợ và tối ưu vận chuyển hàng hóa từ nhà cung cấp tới khách hàng, đảm bảo đúng đủ về số lượng, chất lượng và thời điểm.
  • Dòng thông tin: E-logistics hỗ trợ và tối ưu quá trình giao và nhận của các đơn đặt hàng, theo dõi quá trình dịch chuyển của hàng hóa và chứng từ giữa người gửi và người nhận.
  • Dòng tài chính: E-logistics hỗ trợ và tối ưu quá trình thanh toán của khách hàng đối với nhà cung cấp trong thương mại điện tử.

 

- Tối ưu hoá giá trị của doanh nghiệp

Thông qua e-logistics, giá trị của doanh nghiệp được được tối ưu và nâng cao cụ thể như sau:

  • Giá trị sản phẩm: Thông qua e-logistics, các đặc điểm, chức năng và công dụng của sản phẩm sẽ được truyền tải đến khách hàng một cách hiệu quả nhất.
  • Giá trị dịch vụ: E-logistics giúp doanh nghiệp tối ưu được các hoạt động sửa chữa, bảo hành, vận chuyển, hướng dẫn sử dụng…
  • Giá trị giao tiếp: E-logistics giúp nâng cao sự hài lòng trong tiếp xúc giữa khách hàng với nhân viên, doanh nghiệp.
  • Giá trị biểu tượng: Thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp sẽ được nâng lên khi xây dựng và vận hành hệ thống e-logistics thành công.


- Hỗ trợ giao dịch và phân phối trực tuyến

Với e-logistics, giao dịch và phân phối không còn phụ thuộc vào thời gian và địa điểm cung cấp do khách hàng có thể truy cập các thông tin về hàng hóa và kết nối giao dịch thông qua mọi thiết bị di động có kết nối Internet như điện thoại di động, máy tính, laptop, ... Điều này giúp cho các nhà bán lẻ và nhà sản xuất có thể liên hệ trực tiếp với khách hàng và đáp ứng mong muốn mua hàng của khách hàng ngay lập tức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Đồng thời, giúp tạo lợi thế về giá và chi phí từ việc sản xuất, lưu kho, và phân phối ở mức chi phí tối thiểu.

Vì vậy, E-logistics có vai trò rất quan trọng trong giao dịch và phân phối trực tuyến và là giải pháp hỗ trợ các hoạt động lưu kho, chuẩn bị đơn hàng, giao hàng, giao hàn tại kho người bán, giao hàng tại địa chỉ người mua và cả đối với mô hình dropshipping.

 

4. Các loại dịch vụ e-logistics phổ biến

Hiện nay, các loại dịch vụ e-logistics được cung cấp phổ biến trên thị trường như sau: 

- Dịch vụ chuyển phát nhanh: Là mảng được khai thác nhiều nhất với 198 công ty chuyển phát quốc tế và 164 công ty chuyển phát trong nước.
- Dịch vụ giao hàng thu tiền: Được các đơn vị bán lẻ và kinh doanh online sử dụng chủ yếu, phù hợp với các mặt hàng mua số lượng ít, giá trị không lớn.
- Dịch vụ giao hàng chặng cuối: Kết hợp hoạt động của trung tâm phân loại và vận tải - giao hàng, đóng vai trò quan trọng đối với các sàn TMĐT lớn, với sự góp mặt của nhiều "thương hiệu riêng của sàn" như Lex của Lazada, ShopeeExpress của Shopee, TikiNow của Tiki...

 

5. Xu hướng của e-logistics tại Việt Nam

 

Xu hướng của logistics

 

Có thể thấy sự tương quan và hỗ trợ chặt chẽ giữa thương mại điện tử (TMĐT) và logistics. TMĐT chỉ thật sự hoàn chỉnh và đem lại giá trị cho khách hàng nếu có dịch vụ logistics, và logistics đang ngày càng phát triển linh hoạt hơn, đa dạng hơn nhờ TMĐT.

Thêm vào đó, sự bùng nổ nhu cầu mua sắm trên mạng và giao nhận tại nhà ở Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt là qua giai đoạn giãn cách do Covid-19 vừa qua, là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ e-logistcs phát triển.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, “năm 2017, Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ e-logistics, đến nay con số đã lên đến hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong ngành logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp nước ngoài”

Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh TMĐT của Metric.vn, Việt Nam phát triển vượt bậc  hiện là thị trường lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19.

E-logistics dần trở thành một yếu tố cạnh tranh trong TMĐT với lợi thế tương tác trực tiếp với khách hàng cuối cùng. Đầu tư một cách bài bản vào e-logistics sẽ giúp các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT vượt qua đối thủ.

Tuy nhiên, dịch vụ logistics thương mại điện tử, đặc biệt là các công ty chuyển phát nhanh tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển; dẫn đến nhiều trường hợp không đáp ứng được yêu cầu về thời gian giao hàng, độ an toàn, cũng như chi phí tốt khi xử lý số lượng đơn hàng khổng lồ.

Do đó, sự bùng nổ của thương mại điện tử Việt Nam hiện nay đã tạo ra nhu cầu và áp lực rất lớn đối với dịch vụ logistics, đồng thời tạo ra một lĩnh vực logistics điện tử đầy triển vọng. Theo Ken Research 2018, thị trường logistics bán lẻ thương mại điện tử Việt Nam đạt giá trị 90 triệu EUR (103 triệu USD) vào năm 2018 và dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình 42% mỗi năm cho đến năm 2022.

 

Xem thêm:

 

Nguồn: Phaata.com - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam

► Tìm Cước vận chuyển & Dịch vụ logistics tốt hơn!