Tình trạng thiếu container, tắc nghẽn cảng và tàu bị chậm trễ đã đẩy giá cước lên cao ngất ngưởng
Theo nền tảng giao dịch trực tuyến Container xChange, việc cảng Yantian ở miền nam Trung Quốc bị tạm ngừng hoạt động trong tháng 6 đã khiến giá cước vận chuyển container tăng vọt lên 180%.
Tình trạng container thiếu hụt nghiêm trọng (Ảnh: WSJ)
Chỉ số trên nền tảng Container xChange này đã cho thấy giá cước vận chuyển bình quân của các tuyến đối với tất cả các loại container được xuất khẩu từ cảng Yantian, đã tăng từ 5,515 USD trong tháng 6, lên 15,336 USD trong tháng này.
Christian Roeloffs, người đồng sáng lập Container xChange cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến sự tăng vọt thực tế và có thể đo lường được trong khi lượng container sẵn có giảm đáng kể khi các bến cảng tại Yantian bị gián đoạn hoạt động trong gần hết tháng 6”.
Và ông cho biết đã có "những dấu hiệu ban đầu" về tác động tương tự từ sự cố gián đoạn cảng gần đây sau khi bị phong tỏa ở cảng Ningbo và Việt Nam.
Nhưng ngay cả khi không có gián đoạn thêm nữa, tình trạng thiếu thiết bị container trầm trọng do nhu cầu tăng mạnh và tình trạng tắc nghẽn cảng ngày càng tồi tệ sẽ khiến giá container mới và cũ tăng cao hơn, theo Giám đốc điều hành và người sáng lập Container xChange, Tiến sĩ Johannes Schlingmeier.
Tiến sĩ Schlingmeier cho biết: “Có khả năng giá container sẽ tăng khi lượng container có sẵn thấp hơn trong những tuần tới, do sự chậm trễ giữa việc gián đoạn lịch trình của tàu với tình trạng container sẵn có và giá cả vận chuyển.”
Một NVOCC có trụ sở tại Vương quốc Anh đã quyết định mua 10 container 40ft ở Trung Quốc. Để khắc phục những lỗi thiết bị mà công ty này đang gặp phải từ các hãng tàu, công ty này cho biết cuối cùng họ đã phải trả gần 6.000 USD cho một container cũ.
“Về lý thuyết, các nhà sản xuất đang bán cùng một container mới với giá khoảng 4.000 USD, nhưng người mua bị hạn chế bởi các đơn đặt hàng từ các công ty cho thuê container và các hãng vận chuyển,” công ty này nói với The Loadstar.
Trong khi đó, các hãng vận tải biển đang nỗ lực hết sức để tăng cường đội tàu container của họ để đáp ứng nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng và giảm thiểu tác động của thời gian kéo dài đối với các container hàng hóa.
Theo Giám đốc điều hành hãng tàu Hapag-Lloyd, Rolf Habben Jansen, do tắc nghẽn mạng lưới, hãng vận tải này hiện cần thêm 11% số lượng container để chở cùng một lượng hàng hóa.
Và việc tồn đọng các đơn hàng mới kéo dài tại các nhà máy sản xuất container có nghĩa là các hãng vận tải đang phải phụ thuộc nhiều hơn vào các công ty cho thuê để đáp ứng các yêu cầu khẩn cấp của họ.
Triton, công ty dẫn đầu thị trường cho thuê container, cho biết trong báo cáo lợi nhuận quý 2, họ đang tập trung vào việc gia hạn thời gian cho các hợp đồng cho thuê container mới và đã qua sử dụng với các hãng tàu. Công ty ghi nhận thời hạn thuê trung bình là 14 năm trong quý 2, tăng so với mức trung bình 10 năm trong quý 1, gần như gấp đôi mức trung bình trong lịch sử của ngành.
Trong một diễn biến khác, Textainer, công ty cho thuê container lớn thứ hai thế giới, đã báo cáo thời hạn thuê trung bình trong sáu tháng đầu năm đối với các container mới là 12 năm.
Tương tự như các chủ tàu container, những công ty cho thuê container không chỉ đồng ý các hợp đồng thuê container dài hơn nhiều với các hãng vận tải, mà họ còn có thể thương lượng mức giá cho thuê theo ngày cao hơn đáng kể cho các giao dịch mới.
Xem thêm:
Nguồn: Phaata.com (Theo The Loadstar)
Phaata.com - Sàn giao dịch logistics quốc tế đầu tiên Việt Nam
► Nơi kết nối Chủ hàng & Công ty logistics nhanh nhất!